Kim cương trong thiên thạch Canyon Diablo cứng hơn kim cương trái đất

Những viên kim cương tìm thấy trong thiên thạch Canyon Diablo rơi xuống Trái đất được các nhà nghiên cứu phát hiện không giống kim cương tự nhiên ở trái đất.

Khi một thiên thạch lao xuống Trái đất, lực ma sát trong khí quyển sẽ tạo ra nhiệt độ và áp suất cực mạnh lên chính thiên thạch này và khiến nó có thể biến thành các vật liệu đặc biệt.

Thiên thạch Canyon Diablo rơi xuống Trái đất khoảng 50.000 năm trước, tạo ra miệng hố ở bang Arizona (Mỹ). Đây là một trong những miệng hố va chạm còn nguyên vẹn nhất trên thế giới.

Xem thêm: Những điều thú vị về kim cương

Mãi đến năm 1967, lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy kim cương trong thiên thạch Canyon Diablo. Loại kim cương này được đặt tên Lonsdaleite.

Lúc đó, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật hình ảnh tiên tiến để xem xét những viên kim cương từ thiên thạch Canyon Diablo, họ nhận thấy đây không phải là những viên đá quý thông thường. Đó là một dạng carbon hiếm và được tạo thành từ các nguyên tử trong một mạng lục giác.

Tuy nhiên, năm 2022, khi kiểm tra Lonsdaleite bằng phương pháp quang phổ Raman và tinh thể học, tiến sĩ Péter Németh thuộc Viện Nghiên cứu địa chất và địa hóa Hungary và các đồng tác giả nghiên cứu đã tìm thấy điều thú vị hơn nhiều.

Đó là những viên đá quý này có độ cứng như kim cương, nhưng cũng dễ uốn một cách bất thường. Hơn nữa, chúng có các thuộc tính điện tử có thể điều chỉnh được, khiến chúng có khả năng hữu ích cho các thiết bị điện tử.

Số lượng Lonsdaleite có sẵn quá nhỏ để các nhà khoa học kiểm tra một số tính chất của nó. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu cho thấy cấu tạo kim cương lục giác phải cứng hơn 58% so với kim cương thiên nhiên trên trái đất.

Theo các tác giả nghiên cứu, từ những hiểu biết về việc hình thành Lonsdaleite, chúng ta có thể ứng dụng vào sản xuất các vật liệu giàu carbon có chứa một lượng đáng kể các nguyên tố khác, dưới áp suất cực lớn.

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Christoph Salzmann từ Đại học College London (Anh), giải thích rằng những tinh thể này có một số ứng dụng tiềm năng: “Có thể thiết kế các vật liệu vừa siêu cứng vừa dẻo, cũng như có các thuộc tính điện tử có thể điều chỉnh từ chất dẫn điện đến chất cách điện”.

Cái tên Lonsdaleite của loại kim cương đặc biệt này để vinh danh nhà tinh thể học và nhà hoạt động tiên phong Dame Kathleen Lonsdale (người Anh gốc Ireland), đã chứng minh được tính phẳng của vòng benzen lục giác.

Leave a comment